Hổ phách là nhựa cây hoá thạch, nó có màu sắc và vẻ đẹp đặc trưng do vậy ngoài ý nghĩa khoa học về nghiên cứu cổ sinh nó còn được dùng làm các vật liệu trang trí hoặc đồ trang sức. Do đó, mặc dù chúng không phải là một loại khoáng vật nhưng người ta vẫn coi chúng như một loại đá quý.
1. Khái niệm:
Hổ phách là một loại nhựa cây hoá thạch với thành phần chủ yếu là nhựa cây các loại và một số loại axit khác, thành phần hóa học của chúng thường là C10H16O cùng với H2S.
Mặc dù hổ phách không phải là một loại khoáng vật nhưng người ta vẫn coi chúng như một loại đá quý, được dùng làm đồ trang sức, hoặc với mục đích trang trí.
2. Tính chất:
Hổ phách thường trong suốt và có ánh nhựa.
Màu sắc: Hổ phách thường có nhiều màu khác nhau, nhưng màu phổ biến nhất là màu vàng nâu và màu đặc trưng này được gọi là màu “hổ phách”. Một số màu khác có thể gặp như màu vàng chanh, màu nâu, hoặc thậm chí là màu đen. Một số màu khác hiếm hơn như màu đỏ, màu lục, màu lam.
Độ cứng: 2-2,5
Mềm ở khoảng 150oC nóng chảy ở 250 – 300oC.
Chiết suất: 1.54
Tỷ trọng: 1.08
Phát quang: trắng lục (sóng dài), lục tươi (sóng ngắn)
Bao thể: Thường là côn trùng bị bẫy, rêu, cành cây hoặc lá cây, …Khối hổ phách trong suốt bọc côn trùng thường có giá rất cao, ngoài ý nghĩa sưu tập nó còn có ý nghĩa đối với các nhà sinh vật học và địa chất học. Ngoài ra có thể gặp các bao thể pyrit dạng tinh thể.
Một dạng bao thể khác cũng hay gặp trong hổ phách là các bao thể bọt khín hoặc các bao thể dạng starburst (có hoa văn hình đĩa mặt trời) chúng được hình thành do các ứng suất nén trong lòng đất.
3. Một số tính chất khác:
Tác dụng với nhiệt: Hổ phách thường bị mền ở nhiệt độ khoảng 150oC và nóng chảy ở nhiệt độ 250-300oC. Có thể dùng một que diêm để làm nóng chảy hổ phách và mùi bốc lên giống mùi hương.
Hổ phách rất nhạy cảm với axit, dung môi hoặc khí ga, với dung môi rượu hoặc thậm chí với cả nước hoa.
Hổ phách có tính dẫn điện yếu, nếu ta dùng viên hổ phách chà vào vải quần áo chúng sẽ nhiễm điện và có thể hút được các vật nhỏ.
Hổ phách lúc đầu được khai thác chúng thường có màu vàng sáng và khi để càng lâu thì màu của chúng càng trở nên tối hơn trở thành màu nâu đỏ.
3. Nguồn gốc:
Cho đến nay mẫu hổ phách cổ nhất được tìm thấy trong kỷ carbon (cách ngày nay khoảng 345 triệu năm). Mẫu hổ phách có chứa hoá thạch cổ nhất được tìm thấy là mẫu hổ phách trong kỷ creta (cách ngày nay khoảng 146 triệu năm).
Hai nguồn cung cấp chính hổ phách trên thị trường là các quốc gia vùng Baltic và Cộng hòa Dominica.
Hổ phách vùng Baltic thì cổ hơn nên được thị trường ưa chuộng, nhưng hổ phách ở Dominica thì lại nhiều xác côn trùng hơn.
Trong vùng Baltic, mỏ hổ phách lớn nhất ở tây Kaliningrad thuộc Nga, ngoài ra còn tìm thấy hổ phách ở Lithuania, Estonia, Latvia, Ba Lan và Đức, thỉnh thoảng hổ phách lại trôi dạt vào bờ biển Baltic thuộc Đan Mạch và Na Uy.
4. Các loại đá tương tự và cách phân biệt:
Copal (nhựa cây hoá thạch hiện đại): Từ nhựa của nhiều loại cây bị chôn vùi trong lòng đất với khoảng thời gian ngắn.
Phân biệt: + Các tính chất giống nhau
+ Phản ứng với ete (Metylat ete): Sẽ bị mềm và hoà tan còn hổ phách thực thụ thì không.
+ Phát quang dưới sóng ngắn.
– Nhựa bakelit: (phenol fomandehit): rất giống hổ phách.
+ Tỷ trọng lớn hơn :1,26 sẽ chìm trong nước muối, hổ phách sẽ nổi trong nước muối.
+ Chiết suất cao hơn: 1,66
– Nhựa celluloit: có chiết suất: 1.50
+ Tỷ trọng: 1.38
+ Phản ứng với axit sufuric (5%)
+ Phát quang trắng phớt vàng.
– Thuỷ tinh: Thuỷ tinh vàng (màu do oxit urani), có tỷ trọng cao hơn.
5. Bảo quản
Hổ phách là loại đá quý mềm, độ cứng chỉ đạt 2 đến 2,5 trên thang Mohs. Không được cất nó chung với đồ kim hoàn để tránh bị trầy xước.
Không bao giờ cho hổ phách tiếp xúc với nhiệt và hóa chất như keo xịt tóc hoặc nước hoa và cũng không nên rửa nó với máy siêu âm.
Để làm sạch hổ phách, chỉ cần lau nhẹ nó bằng một miếng vải mềm thấm nước.
Nguồn : kiemdinhvgc.com